Bài tập vật lý trị liệu cho gai gót chân đơn giản, hiệu quả tại nhà

Tác giả: Myrehab - Matsuoka

Vật lý trị liệu gai gót chân không chỉ giúp giảm đau mà còn có thể cải thiện sự linh hoạt và phục hồi chức năng của gót chân. Phương pháp này có ưu điểm rất tốt là bạn có thể áp dụng các bài tập tại nhà, tiết kiệm tối ưu hóa chi phí và đặc biệt nó có thể giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc giảm đau.

1. Gai gót chân là gì?

Gai gót chân là những phần xương mọc lên từ rìa khớp có hình nhọn như gai, có thể kéo dài về phía trước tới 1.27 cm (khoảng nửa inch) nên đôi khi sẽ gây đau đớn cho người bệnh. Nguyên nhân hình thành gai gót chân là do canxi lắng đọng ở mặt dưới của xương gót chân. 

Vị trí đau do gai gót chân
Vị trí đau do gai gót chân

Các gai gót chân thường liên quan đến viêm cân gan chân hoặc viêm mô liên kết gắn xương gót chân với lòng bàn chân – tình trạng này đều phổ biến ở các vận động viên thường xuyên chạy và nhảy.

Nhiều bệnh nhân mô tả cơn đau liên quan đến gai gót chân có cảm giác như một con dao đâm vào lòng bàn chân. Cảm giác đau dữ dội nhất thường xuất hiện khi bệnh nhân mới đứng dậy vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Cơn đau thường sẽ giảm dần và chuyển sang đau âm ỉ trong suốt cả ngày. Bệnh nhân có thể cảm thấy cơn đau quay trở lại khi họ đứng lên sau khi ngồi. Tuy nhiên, một số bệnh nhân lại không cảm thấy đau liên quan đến gai gót chân và thậm chí có thể không nhận ra mình bị gai gót chân.

Mặc dù có một số trường hợp cần phẫu thuật gai gót chân để điều trị, tuy nhiên, hơn 90% bệnh nhân có thể làm giảm đau và tăng tầm vận động dựa vào việc thay đổi hành vi và vật lý trị liệu.

2. Triệu chứng gai gót chân

Gai gót chân có thể khó xác định và chẩn đoán. Lý do là bởi chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân bị gai gót chân sẽ có cảm giác đau liên quan tới vùng gót chân. Bên cạnh đó, tình trạng này có thể khó phân biệt và nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau chân khác.

Tình trạng gai gót chân thường chỉ được xác nhận bằng chụp X-quang hoặc các xét nghiệm y tế khác. Bệnh nhân phải gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình hoặc bác sĩ chuyên khoa chân để biết liệu gai gót chân hay bệnh lý khác gây đau chân.

Các triệu chứng phổ biến nhất của gai gót chân bao gồm:

  • Đau gót chân
  • Sưng tấy
  • Viêm

3. Nguyên nhân nào gây ra gai gót chân?

Tình trạng gai gót chân thường sẽ phát triển dần dần theo thời gian khi các cơ và dây chằng ở gót chân bị căng trong thời gian dài khiến các mô mềm xung quanh bị mòn dần. Do đó, những bệnh nhân thường tham gia các hoạt động gây căng thẳng liên tục lên gót chân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Gai gót chân cũng có thể do các hoạt động khác hoặc các tình trạng bệnh lý có từ trước gây áp lực lên gót chân. Ví dụ:  dáng đi không đều; đi giày không vừa chân, giày bị mòn gót nên phần gót phải chịu đựng trọng lượng cơ thể mà không có sự hỗ trợ hoặc. Viêm khớp và viêm cân gan chân cũng có thể góp phần gây ra gai gót chân; hơn một nửa số trường hợp gai gót chân xảy ra ở những bệnh nhân bị viêm cân gan chân.

Các nguyên nhân phổ biến nhất gây ra gai gót chân bao gồm:

  • Căng thẳng lặp đi lặp lại ở gót chân
  • Giày không có sự hỗ trợ thích hợp
  • Trọng lượng cơ thể dư thừa
  • Viêm cân gan chân

4. Các phương pháp điều trị bệnh gai gót chân

Dưới đây 3 phương pháp phổ biến để điều trị bệnh gai gót chân:

  • Sử dụng thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau và kháng viêm để giúp giảm các triệu chứng đau đớn do gai gót chân gây ra. Một số trường hợp nặng hơn có thể được tư vấn tiêm vào vùng viêm.
  • Điều trị phẫu thuật: Hầu hết bệnh nhân mắc gai gót chân không cần phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được xem xét khi tình trạng đau kéo dài và các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả.
  • Tập vật lý trị liệu: Bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu như siêu âm điều trị, hồng ngoại, sóng ngắn và các bài tập chuyên biệt cho gai gót chân. Đây được coi là phương pháp điều trị lâu dài và có tác dụng giúp bệnh nhân có khả năng hồi phục hiệu quả nhất.

5. Một số bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân gai gót chân

Hơn 90% bệnh nhân bị gai gót chân không cần phẫu thuật và có thể thấy sự cải thiện đáng kể chỉ bằng vật lý trị liệu. Mặc dù vật lý trị liệu không thể loại bỏ gai gót chân nhưng có thể làm giảm tình trạng viêm gây đau và cản trở khả năng vận động.

Dưới đây là một số bài tập vật lý trị liệu giúp hỗ trợ điều trị bệnh gai gót chân, giúp giảm đau và cải thiện chức năng chân:

5.1 Kéo căng gân Achilles

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng, đặt một chân phía trước chân còn lại, giữ khoảng cách rộng.
  • Gập đầu gối chân trước, giữ chân sau thẳng và giữ gót chân chạm đất.
  • Cảm nhận sự căng ở gân Achilles và vùng gót chân của chân sau.
  • Giữ vị trí này trong khoảng 20-30 giây, sau đó lặp lại 3-4 lần cho mỗi chân.

Lợi ích: Giúp giãn cơ và giảm căng thẳng ở gân Achilles, giảm áp lực lên gót chân.

5.2 Kéo căng cơ bàn chân

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên ghế, duỗi thẳng chân bị đau ra phía trước.
  • Dùng tay kéo nhẹ ngón chân về phía cơ thể cho đến khi cảm nhận căng ở lòng bàn chân.
  • Giữ vị trí này trong khoảng 20-30 giây và thực hiện 3 lần mỗi ngày.

Lợi ích: Giúp giãn cơ và gân ở lòng bàn chân, giảm đau do gai xương gót.

5.3 Bài tập với khăn dưới lòng bàn chân

Cách thực hiện:

  • Đặt một chiếc khăn trên sàn và ngồi trên ghế, chân đặt trực tiếp lên khăn.
  • Dùng ngón chân cuộn khăn lại theo chiều từ đầu đến cuối.
  • Lặp lại 10-15 lần cho mỗi chân.

Lợi ích: Tăng cường sức mạnh cho cơ gấp ngón chân và cơ bàn chân, giúp cải thiện chức năng bàn chân.

5.4 Bài tập với bóng

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên ghế, đặt một quả bóng tennis hoặc quả bóng nhỏ dưới lòng bàn chân.
  • Lăn bóng từ gót chân đến ngón chân trong khoảng 1-2 phút mỗi lần.
  • Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.

Lợi ích: Giảm căng thẳng và đau đớn ở vùng lòng bàn chân, giúp thư giãn các cơ và giảm viêm.

5.5 Bài tập đứng trên ngón chân

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng, từ từ nâng cơ thể lên bằng cách đứng trên ngón chân.
  • Giữ trong 3-5 giây và sau đó hạ xuống từ từ.
  • Lặp lại 10-15 lần cho mỗi chân.

Lợi ích: Tăng cường cơ bắp chân và cải thiện sức mạnh của các cơ gấp ngón chân, hỗ trợ giảm đau gót chân.

5.6 Bài tập duỗi gót chân

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên sàn, duỗi một chân ra và kéo nhẹ ngón chân về phía cơ thể.
  • Dùng tay kéo ngón chân về phía đầu gối và giữ trong khoảng 20-30 giây.
  • Lặp lại 3 lần cho mỗi chân.

Lợi ích: Giúp giãn cơ ở gót chân và giảm cơn đau do gai gót chân.

MYREHAB MATSUOKA – Trung tâm phục hồi chức năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản

Nguồn: https://www.getluna.com/conditions/physical-therapy-for-heel-spurs

Ngày đăng: 07/05/2024Ngày cập nhật: 24/12/2024

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Myrehab Matsuoka chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.